logo

Hướng Dẫn Sử Dụng Photoshop CS5


Photoshop CS5 - Phần 1: Toolbox

Trong loạt bài này sẽ hướng dẫn bạn từng bước cơ bản cho người mới bắt đầu sử dụng Photoshop đặc biệt là Shop CS5; tìm hiểu về các công cụ và những thao tác cơ bản nhất.

 
Sau khi cài đặt xong, bạn sẽ thấy giao diện của CS5 thay đổi khá nhiều so với phiên bản cũ, trông chuyên nghiệp hơn với nhiều tính năng "lạ" hơn.


Tùy chỉnh không gian làm việc

Bạn sẽ muốn thử xem qua các panel và palette sẵn có xem cái nào phù hợp với công việc của mình. Trong những lựa chọn này, bạn sẽ thấy có sự sắp xếp khác nhau về phần bảng màu và panel phù hợp với từng mục đích công việc. Điều này khá thuận tiện khi bạn muốn có những chỉnh sửa khác nhau cho bức ảnh ở chế độ Design hay Painting...


CS5 có chế độ lưu những tùy chỉnh không gian làm việc theo ý thích của bạn lại để có thể sử dụng sau này.


Nhấp vào >> để xem thêm về các tùy chọn không gian làm việc. Tạo một "New Workspace" và đặt tên nó theo ý bạn. Hãy chắc chắn kích vào 2 tùy chọn Keyboard Shortcuts và Menus cho không gian làm việc mới của bạn. 

Chọn không gian làm việc bạn vừa tạo và tùy ý đặt các panel cần thiết cho công việc.

 

Tùy chỉnh Toolbox

Toolbox là nơi bạn có được tất cả các thao tác xử lý ảnh từ trò chuột. Theo mặc định, nó bị khóa ở phía cạnh trái của màn hình làm việc. Bằng cách nhấp vào phím mũi tên << bạn có thể mang toolbox này đặt tại bất kỳ vị trí nào trên phần không gian làm việc.


Tùy chọn Palette

Ở phía trên màn hình làm việc, ngay dưới thanh menu, bạn sẽ thấy các bảng các tùy chọn. Khi lựa chọn các công cụ khác nhau trên toolbox, bạn sẽ thấy các tùy chọn này thay đổi tùy vào từng công cụ.


Các công cụ trên Toolbox


Rectangular Marquee Tool (phím tắt: M): Đây là công cụ lựa chọn dạng cơ bản, lựa chọn vùng theo dạng hình khối cơ bản (có thể là hình chữ nhật, elip, 1 dòng đơn hoặc 1 cột đơn. Nếu muốn lựa chọn theo dạng hình vuông hoặc hình tròn cân đối thì giữ Shift trong quá trình khoanh vùng. Nếu muốn thay đổi khung chọn giữa hình chữ nhật và hình ellip thì nhấn Shift + M (hoặc chuột phải vào biểu tượng công cụ trên thanh Toolbox và chọn hình như ý).
Move Tool (phím tắt: V): Đây là công cụ di chuyển. Nếu bạn đang chọn một vùng, sử dụng công cụ này để di chuyển vùng chọn đó. Bạn cũng có thể di chuyển nhiều layer một lúc sau khi đã chọn layer cần di chuyển.
Lasso Tool (phím tắt: L): Đây là một công cụ lựa chọn khác, công cụ này cho phép bạn vẽ nhanh một vùng chọn. Vùng chọn này có thể là một hình dạng đặc biệt tùy theo từng phần trên bức ảnh của bạn. Giữ Shift + L để thay đổi chế độ chọn khoanh vùng (Lasso) hay đa giác (Polygonal hoặc Magnetic).
Quick Selection Tool (phím tắt: W): Đây là công cụ chọn vùng gần đúng. Kích biểu tượng bút vẽ vào một vùng của bức ảnh, Photoshop sẽ đọc và cố gắng lấy vùng chọn có màu sắc tương đồng. Nhấn Shift + W để thay đổi giữa công cụ Quick Selection Tool và Magic Wand Tool.
Crop Tool (phím tắt: C): Vẽ thành một vùng chọn hình chữ nhật, sau đó cắt lấy bức ảnh nằm trong vùng chọn đã vẽ. Công cụ này rất hữu ích thường được sử dụng để cắt xén một bức ảnh có không gian hơi "thừa". Nhấn Shift + C để thay đổi giữa công cụ Slice và Slice Select, một công cụ hữu ích để tạo ra nhiều hình ảnh từ một hình duy nhất, thường sử dụng trong việc lên hình ảnh cho một website.
Eyedropper Tool (phím tắt: I): Chọn một màu bất kỳ từ tài liệu mà bạn đã mở. Shift + I để thay đổi giữa các công cụ: Color Sampler, Ruler và Note Tool.
Spot Healing Brush Tool (phím tắt: J): Rất hữu ích trong việc xóa các vết ố, trầy xước không mong muốn trên ảnh. Nhấn Shift + J để thay đổi giữa Healing Brush, Patch Tool và công cụ Red Eye (dùng để xử lý mắt đỏ)
Brush Tool (phím tắt: B): Đây là công cụ phứt tạp duy nhất trên Toolbox. Rất nhiều bài trên Quản Trị Mạng đã hướng dẫn sử dụng công cụ này để vẽ các hình ảnh lặp đi lặp lại. Nhấn Shift + B để lựa chọn lần lượt công cụ Pencil, Color Replacement Tool, và Mixer Brushes.
Clone Stamp Tool (phím tắt: S): Đây cũng là một công cụ brush sửa ảnh khác, giữ Alt và kích chuột vào vùng nền "nguồn" và sau đó kích chuột trái chọn vùng nền muốn "phủ" vùng "nguồn" lên. Nhấn Shift + S để chọn các công cụ đóng dấu khác nhau.
History Brush Tool (phím tắt: Y): Làm việc song song với History Palette, bạn có thể "lấy lại màu gốc" với công cụ này. Sử dụng như một công cụ lọc, bạn chọn phần muốn lấy lại màu nền như ảnh gốc (phần được chọn phải nằm trong vùng đã bị thay đổi nền). Nhấn Shift + Y để thay đổi giữa History Brush Tool và Art History Brush Tool.
Eraser Tool (phím tắt: E): Đây là công cụ dùng để xóa một vùng ảnh. Nếu ảnh là layer Background hoặc bị khóa thì vùng bị xóa sẽ lấy theo màu Background Color. Nhấn Shift + E để chuyển giữa chế độ xóa Eraser, Background Eraser, hay Magic Eraser.
Gradient Tool (phím tắt: G): Kích và kéo gradient màu phủ đầy lên layer hoặc vùng mà bạn chọn bằng màu foreground và background trên thanh công cụ. Có rất nhiều tùy chọn gradient màu bạn có thể sử dụng. Mở rộng trong công cụ này còn có Paint Bucket Tool - dùng để phủ một màu đơn cho 1 vùng hoặc 1 layer đang chọn. Nhấn Shift + G để chuyển đổi giữa 2 chế độ phủ màu.
Blur, Sharpen, and Smudge Tools: mặc định, công cụ này không có phím tắt. Có ba công cụ chỉnh sửa ảnh nằm trong nút công cụ này. Smudge là thanh công cụ đặc biệt có thể tạo hiệu ứng vuốt màu tuyệt vời trên hình ảnh của bạn. Chuột phải vào nút công cụ để chọn những công cụ khác nhau: Blur và Sharpen.
Dodge and Burn Tools (phím tắt: O): Dodge và Burn là công cụ chỉnh sửa giúp làm sáng hoặc tối một vùng cho bức ảnh. Nhấn Shift + O để thay đổi lựa chọn giữa các công cụ.
Pen Tool (phím tắt: P): Đây là một công cụ "gây ác mộng" cho người dùng mới bắt đầu. Các công cụ Pen rất khó trong việc sử dụng nhưng là một ưu điểm của Photoshop. Shift + P sẽ cho phép bạn chuyển đổi giữa các công cụ làm việc với path (đường dẫn).
Type Tool (phím tắt: T): Cho phép bạn nhập một đoạn nội dung, mặc định là theo chiều ngang. Nhấn Shift + T để chọn công cụ Vertical Type Tool (nhập nội dung theo chiều dọc) và Type Mask Tools.
Path Selection and Direct Selection Tools (phím tắt: A): Đây là một công cụ chỉnh sửa các phân đoạn trong một đoạn đường dẫn (path). Có thể bỏ qua công cụ này trừ khi bạn sử dụng Pen Tool để vẽ 1 đoạn đường dẫn. Nhấn Shift + A để chuyển đổi giữa Path Selection và Direct Selection.
Custom Shape Tool (phím tắt: U): Đây là công cụ để tạo các hình vector hoặc clipart từ một thư viện hình có sẵn. Nhấn Shift + U để lựa chọn giữa các công cụ vẽ hình chữ nhật, tam giác, các đường nét và hình clipart.
Zoom Tool (phím tắt: Z): Đây là công cụ dùng để zoom to và nhỏ ảnh. Phóng to với việc nhấn chuột trái và thu nhỏ bằng cách nhấn thêm Alt trong khi kích chuột. Đây là công cụ cơ bản nhất trên thanh công cụ.
Hand Tool (phím tắt: H): Cuộn tài liệu mà không cần sử dụng con trỏ chuột hay phím mũi tên. Nhấn và giữ phím Space bất cứ khi nào bạn cần sử dụng công cụ này, nhả phím Space khi không cần sử dụng đến nó nữa.
Background/Foreground: Đây là bảng 2 màu sắc đang được sử dụng để chỉnh sửa ảnh. Màu trên là Foreground, màu dưới là Background. Nhấn phím X trên bàn phím để chuyển đổi màu Foreground thành Background và ngược lại. Nhấn phím D để đưa 2 màu này về mặc định là trắng và đen.
Quick Mask Mode (phím tắt: Q): Đây là một chế độ thay thế cho việc tạo các lựa chọn phức tạp với các công cụ Brush, Eraser và Paint Bucket. Nhấn phím Q để chuyển đổi giữa việc chọn chế độ Quick Mask Mode và chế độ thường.

Photoshop CS5 - Phần 2: Các Panel




Panel mặc định được đặt ở phía bên phải cửa sổ làm việc của Photoshop. Nó chứa mọi thiết lập hữu ích cho người mới sử dụng Photoshop, bạn có thể điều chỉnh, ẩn hoặc hiện chúng. Không gian làm việc của Photoshop có thể rộng hơn giúp bạn thoải mái làm việc khi bạn cho ẩn các thanh panel đi.


Mặc định thiết lập của các panel trong phần làm việc Essentials sẽ có dạng như sau. Ngoài cửa sổ làm việc Essentials bạn còn có thể chọn các khung làm việc khác như Design, 3D… bằng việc kích vào để lựa chọn thêm. Ngoài ra để khôi phục lại các panel trong từng khung làm việc bạn có thể lựa chọn Reset trong menu ngữ cảnh khi kích vào .


Các panel có thể được gộp lại bằng cách kích vào ở phía bên phải trên của panel.


Bạn có thể kéo panel đi bất kỳ vị trí nào thuận tiện cho việc sử dụng bằng cách kích và kéo panel tương ứng ra khỏi vị trí cố định của nó.


Đương nhiên, panel cũng có thể được đặt lại đúng vị trí như ban đầu bằng cách kéo về sát cạnh phải của cửa sổ Photoshop, cho đến khi bạn thấy xuất hiện một thanh màu xanh phía bên phải cửa sổ.


Tìm hiểu các panel mặc định

Trong khung làm việc Essentials có một vài panel mặc định. Nó hiển thị ở phía trên cùng (bên cạnh menu Help)

Mini Bridge: Adobe Bridge là một chương trình duyệt file ảnh tương tự như Faststone, XnView hay Google Picasa. CS5 đã tích hợp một phiên bản nhỏ Bridge để cho phép bạn duyệt ảo các thư mục ảnh của mình một cách đơn giản hơn qua panel. Điều này thực sự hữu ích và giúp bạn tiết kiệm khá nhiều thời gian trong việc quản lý ảnh.
Việc duyệt ảo các thư mục ảnh trong Photoshop rất hữu ích. Bridge sẽ chỉ tải khi bạn mở panel và chọn Start Browsing. Các công cụ trực quan sẽ điều hướng tới các thư mục trên máy tính; các file/thư mục quan trọng và thường sử dụng sẽ có thể được thêm vào phần Favorites để truy cập nhanh khi cần.


History: đây là một trong những tính năng quan trọng nhất trên Photoshop, History cho phép người dùng undo lại nhiều mức công việc đã làm.


Như bạn thấy trong hình dưới, hình bên trái là các thao tác đã làm với bức ảnh, hình bên phải là thao tác undo gần như lại toàn bộ công việc đã làm.

Sử dụng panel History, bạn có thể back lại các công việc gần nhất đã làm với bức ảnh hoặc thậm chí khôi phục lại ảnh gốc (trong trường hợp chỉnh sửa không đúng theo ý muốn) bằng cách kích vào phần trên cùng của panel History.


Color: đây là một panel đơn giản, nó chính là phần màu sắc mà bạn đặt cho foreground và background


Bạn có thể điều chỉnh giá trị màu Red, Green và Blue từ 0 – 255. Giá trị càng cao màu càng sáng và ngược lại. Ngoài ra bạn cũng có thể chọn màu từ thanh màu ở phía dưới panel, nó có vẻ dễ dàng chọn hơn.

Ngoài ra bạn cũng có thể tùy chỉnh các tùy chọn màu khác bằng cách kích vào  và đặt slider cho những chế độ màu khác nhau.

Swatches: Đây là một nguồn tài nguyên hay cho người mới bắt đầu và cả với các chuyên gia, swatches là một bảng màu sắc đã được lưu.

Mặc định, CS5 sẽ lưu 122 màu sắc chủ yếu cho bạn sử dụng.

Bạn có thể tạo một swatch mới từ màu foreground bằng cách kích vào và chọn “New Swatch”
Màu sắc bạn chọn để lưu sẽ hiển trị trong bảng Swatch.

Styles: Là một panel chứa các Layer Effects được lưu, Styles có thể là một cách định dạng khá thú vị cho người mới bắt đầu và cũng giúp cho những chuyên gia tiết kiệm thời gian trong việc tái sử dụng các định dạng layer phổ biến. 


Rất đơn giản, bạn chỉ cần kích vào bất kỳ styls mặc định nào để có thể nhanh chóng sử dụng lại chúng sau này. Nếu không muốn chọn một định dạng nào cụ thể cho layer, bạn hãy chỉnh sửa lại chúng bằng tay hoặc kích luôn vào nút  để gỡ bỏ hoàn toàn các hiệu ứng layer.


Rất nhiều hiệu ứng mặc định


Bạn có thể chọn nhiều hơn nữa các định dạng có sẵn bằng cách kích vào để chọn thêm.

Adjustments: đây là panel điều chỉnh tạo ra các lớp cho bức ảnh bạn thêm sống động và đẹp hơn. Bạn có thể sử dụng các tính năng Hue/Saturation, Contrast hay Levels cho những bức ảnh. Tính năng này thực chất là tạo một layer mới lên trên bức ảnh của bạn và mọi điều chỉnh đều thực hiện trên layer mới này.

Kích “Levels” để tự động tạo một layer adjustment mới.

Bạn sẽ thấy các tùy chọn thanh trượt để điều chỉnh về độ tương phản của hình ảnh.

 

Những thay đổi này có thể được Undo mà không cần sử dụng History hay các chức năng Undo khác, chỉ cần xóa các layer điều chỉnh đã được tạo


Nhiều lớp điều chỉnh có thể được tạo cùng lúc và nếu cần sử dụng lớp điều chỉnh nào thì bạn chỉ cần ẩn đi các lớp điều chỉnh khác bởi chúng là những layer riêng biệt. 


Masks: Panel marks là một phương thức để loại bỏ các phần của layer, đưa chúng về dạng transparency. Đây là một cách khá hay để bỏ background từ một layer mà không cần sử dụng hiệu ứng


Panel Mask là một tính năng độc đáo trong CS5, nó có thể giúp những người dùng mới cắt bỏ background từ các bức ảnh mà không tốn nhiều công sức.


Layers: Layer là một tính năng chuẩn của Photoshop, nó cho phép người dùng tạo ra những bức ảnh 2D từ nhiều phần có thể chỉnh sửa. 


Một lớp chỉnh sửa nghệ thuật mới làm đẹp hơn cho bức ảnh (hoặc xấu đi) mà không làm ảnh hưởng tới lớp ảnh gốc.


Một lớp có thể được sao chép, mask và rất nhiều thao tác khác. Adjustments cho các lớp cũng được tạo và quản lý trong panel Layers này.


Các layer được xếp chồng lên nhau, kết hợp với nhau để tạo ra những bức ảnh hoàn hảo. 

Các chế độ Opacity và Blending cũng được quản lý trong panel này. Hình ảnh chỉnh sửa với các lớp có thể tạo nhiều hình ảnh phong phú và rất dễ dàng cho việc chỉnh sửa lại.

Channels: Các bức ảnh số hiện thị màu sắc theo sự kết hợp của các màu cơ bản. Các màu cơ bản này sẽ hiển thị độc lập trong panel Channels của Photoshop. Người mới sử dụng có thể bỏ qua panel này.

Nếu bạn quan tâm tới việc sử dụng Channels, hãy lưu bức ảnh lại trước khi thử nghiệm. 

Paths: Đây là một thành phần khá phức tạp của Photoshop, các path dựa trên thành phần chính là vector (tương tự như Illustrator). Vector thực chất không khó hiểu nhưng công cụ Pen thì lại rất khó và gây bực bội cho người mới sử dụng.


Photoshop CS5 - Phần 3: Giới thiệu Layers


Bảng Layers là một trong những thành phần quan trọng nhất của Photoshop, bất cứ khi nào sử dụng Photoshop bạn cũng mất rất nhiều thời gian vào việc thao tác trên panel này.

Nếu không thấy hiển thị thành phần này trong cửa sổ làm việc, bạn có thể mở lại nó bằng cách vào menu Window > Layers (hoặc nhấn phím F7)

Dùng công cụ Lasso để tạo ra một hình dạng bất kỳ, trong trường hợp này, từ Layer sẽ được vẽ ra. Nhưng Lasso sẽ chưa tạo một layer mới, do đó bạn phải kích vào trong bảng Layers (hoặc nhấn Ctrl + Shift + N) để tạo 1 layer trắng. 


Bạn có thể đưa vào layer mới này một file ảnh mới hoặc bất kỳ thành phần nào tùy vào mục đích chỉnh sửa ảnh của bạn. Mặc định, một layer mới được tạo ra sẽ ở dạng không nền (transparent)

Nếu muốn thêm nền vào layer mới này, bạn chỉ cần vào Edit > Fill và chọn màu cần đặt.

Màu nền layer mới trong ví dụ chúng tôi vừa làm là màu đen. Sau khi đã đổ màu cho đối tượng vừa vẽ xong, hãy bỏ vùng chọn đi để thực hiện 1 thao tác khác. Để bỏ lựa chọn của một vùng, bạn chỉ cần nhấn Ctrl + D trên bàn phím.

Nhấn Ctrl + D để bỏ lựa chọn

Như bức ảnh trong ví dụ này, chữ Layer đã đè lên hỉnh ảnh đầu tên lửa và gây xấu cho bức ảnh, trong trường hợp này bạn cần chỉnh sửa lại vị trí của chữ Layer sao cho hợp lý.

Sử dụng công cụ Move Tool (phím tắt V) để di chuyển các layer được chọn trong panel Layers của Photoshop.


Theo như hình ảnh trên thì vị trí tàu con thoi vẫn bị chữ Layer che khuất, bạn có thể kéo, xoay nó theo một vị trí khác để không làm xấu đi bức ảnh gốc.

Để xoay layer bạn có thể chọn layer cần xoay, nhấn Ctrl + T trên bàn phím, đưa trỏ chuột vào góc của hình chữ nhật bao quanh layer và quay.



Ngoài thành phần Layer vừa tạo, bạn có thể chèn nhiều lớp layer khác nhau lên bức ảnh, mỗi layer là một thành phần độc lập thì sẽ giúp bạn chỉnh sửa linh hoạt hơn.



Nếu có một layer nào đó không phù hợp khi có các layer khác thì bạn có thể ẩn nó đi bằng cách kích vào biểu tượng ở layer tương ứng muốn ẩn. Hiện lại layer thì làm cách ngược lại, kích vào ô vuông trống ở đầu mỗi layer.


Để tạo chữ chú thích cho ảnh, bạn chọn công cụ Type Tool (phím tắt: T) và nhập vào nội dung chú thích. Nội dung này có thể thay đổi được nếu sau này bạn cần chỉnh sửa lại.


Với một nội dung chú trích trên nền ảnh không nổi bật lắm, bạn có thể sử dụng tùy chọn Blending Options để thêm hiệu ứng cho layer đang được chọn. Chuột phải vào bất kỳ layer nào cần tạo hiệu ứng và chọn Blending Options trên menu.


Với tùy chọn này bạn sẽ thấy hộp thoại Layer Style xuất hiện. Tại đây bạn có thể lựa chọn hiệu ứng đổ bóng, tạo viền.. và rất nhiều hiệu ứng khác cho đối tượng.

Bạn có thể dùng nhiều kiểu hiệu ứng khác nhau cho cùng một đối tượng/layer miễn sao giúp đội tượng đó nổi bật hơn trên một nền ảnh phức tạp.
Ngay cả khi đã chọn xong hiệu ứng, nếu cần thay đổi lại nội dung đối tượng (trong trường hợp này là font chữ Aplollo 11) thì vẫn có thể làm được.


Trong panel Layer, bạn có thể kiểm soát được mọi layer cũng như hiệu ứng của layer. Nếu cần ẩn đi hiệu ứng hoặc layer nào vẫn chỉ cần kích vào biểu tượng . Có rất nhiều kiểu hiệu ứng layer khác nhau trong panel Layer tùy thuộc vào từng đối tượng bạn tạo.


Trong panel Layers, bạn có thể kích vào để tạo một lớp layer màu khác, còn được gọi là layer Adjustment


Bức ảnh sau đã được tạo thêm một lớp Adjustment


Lớp Adjustment này cũng được liệt kê trong panel Layers và nó chỉ ảnh hưởng đến các lớp nằm dưới nó. Bạn hãy thử thay đổi vị trí lớp để nhận thấy sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa các lớp. Lớp Adjustment này cũng có thể chỉnh sửa hiệu ứng tương tự như như các layer thông thường.

Có nhiều hiệu ứng tùy chọn để chỉnh sửa các lớp Adjustment, trong đó có cả thành phần Gradient.


Bạn có thể chỉnh sửa một vài tùy chọn với hiệu ứng Gradient như kiểu, màu sắc, góc độ…


Các lớp Adjustment được ẩn hoặc chỉnh sửa bằng cách kích đúp chuột vào chúng trên danh sách trong panel Layers

Việc thao tác với các lớp trong panel Layers sẽ giúp tăng khả năng sử dụng Photoshop, qua đó có được những hiệu ứng như mong muốn trên bức ảnh mà bạn cần chỉnh sửa.


Photoshop CS5 - Phần 4: Các menu cơ bản


Thanh Menu

Đây là một thanh menu tổng quát các chức năng, nó nằm phía trên cùng cửa sổ làm việc của Photoshop. Mỗi một nút là một menu tổng quát, chúng ta sẽ lượt qua một loạt những menu này.
Menu File
Ngoài những tính năng hiển nhiên như New, Open, Close thì menu này còn chứa rất nhiều tính năng khác mà sẽ khiến bạn phải bối rối

Browse in Bridge: Đây là một chương trình đi kèm với Photoshop để duyệt hình ảnh. Nó cho phép người dùng quản lý ảnh dưới dạng hình ảnh (chứ không phải chỉ tên file), tương tự như Google Picasa. Bridgle là một chương trình khá hay tuy nhiên nó có thể gây phiền nhiễu nếu bạn vô tình mở vì nó tốn khá nhiều thời gian để tải.

Browse in Mini Bridge: Mini Bridge là một phiên bản live của Bridge duyệt ngay trong Photoshop (không phải mở chương trình mới như Browse in Bridgle). Rất dễ sử dụng nhưng lại mất thời gian để tải.

Open As: Đây có vẻ như là một mục tính năng có vấn đề (hoặc có thể đã hỏng). Ý tưởng nhà sản xuất đưa ra là với tính năng này có thể mở một loại file khác (ví dụ như một tập tin PSD có phân lớp) dưới dạng file ảnh.

Open As Smart Object: Tạo một smart object từ một file bất kỳ chỉ đơn giản bằng cách mở nó. Việc thay đổi kích thước và chỉnh sửa Smart Object không ảnh hưởng tới tập tin gốc ban đầu, do đó nếu bạn có kế hoạch thay đổi kích thước 1 đối tượng nhiều lần thì bạn nên mở nó trong chế độ Smart Object.

Share my Screen và Create New Review: Đây là các tính năng Adobe CS Live chỉ được cung cấp tới những người dùng có đăng ký bản quyền và có tạo một tài khoản trên Adobe.com.
Device Central:

Một chương trình riêng biệt hỗ trợ các ứng dụng cho điện thoại di động và smartphone.


Save for Web and Devices: Một loại ứng dụng dùng để nén file thành các file dạng JPG, GIF, PNG hoặc các định dạng WBMP phù hợp cho việc đăng tải lên web. Trong trường hợp này, Devices dùng để chỉ các dòng máy smartphone.

Revert: Tải lại file từ điểm lưu lại gần nhất. Bạn sẽ mất tất cả các thay đổi và History khi thực hiện thao tác này, tuy nhiên việc này cũng có lợi ích riêng trong một số trường hợp.

Place: Chèn một file mới vào file đang mở, cho phép bạn thay đổi kích thước và chỉnh sửa như một đối tượng Smart Object.

Automate and Scripts: Tùy chọn này giúp cho những chuyên gia sử dụng Photoshop thực hiện được nhanh chóng các chỉnh sửa lặp đi lặp lại. Scripts là một tiện ích khác thú vị và đáng để xem xét, kể cả với người dùng cơ bản.

Menu Edit

Đây là một menu khá rõ ràng với những tính năng hữu ích nhất trên PS.

Undo, Step Forward, Step Backward: Undo là một tính năng phổ biến và rất thường dùng trong nhiều chương trình hiện nay. Step Forward và Step Backward là để di chuyển qua lại giữa các bước trên panel History. Đây là một cách đơn giản để sử dụng History Panel.

Cut, Copy và Copy Merged: Có thể bạn đã quá quen thuộc với những hành động như Cut, Copy, Paste trong các menu Edit (của những chương trình phổ biến như MS Word). Copy Merge là tính năng vô cùng hữu ích, nó có thể sao chép một tài liệu đa lớp như thể đó là những lớp đã được sáp nhập.

Fill: Công cụ này thường bị bỏ qua mặc dù nó là một công cụ khá hay. Fill sẽ “lấp đầy” một vùng chọn, một layer hoặc chanel bằng màu foreground hoặc background, màu trắng, đen hoặc màu của chính nội dung bức ảnh. CS5 có một cơ chế lấp đầy hình ảnh gần giống như thật với việc tái tạo lại một phần hình ảnh bằng các đối tượng nền xung quanh phần khuyết đó.


Stroke: Tạo một đường viền xung quanh đối tượng được lựa chọn với bất kỳ màu nào mà bạn sử dụng. Bạn có thể điều chỉnh độ dày đường viền này hoặc lựa chọn đường viền được tạo là viền trong, chính giữa hay bao ngoài đối tượng.


Content Aware Scale: Sử dụng công cụ tương tự như trong Content Aware Fill với phạm vi là một phần của hình ảnh. Bạn có thể tùy chỉnh kích thước của đối tượng với tùy chọn này.

Puppet Warp: Đây là một tính năng mới khá phức tạp trên CS5, nó cho phép người dùng có thể bóp méo hoặc kéo hình ảnh theo những cách thức khá phức tạp.


Transform và Free Transform:

Đây là một công cụ hữu ích dùng để thay đổi kích thước một hình ảnh, chỉnh sửa và tạo ra các điểm để có thể kéo méo hình (nếu cần).

Keyboard shortcuts: menu này dùng để chỉnh sửa và gán một số phím tắt bàn phím tùy chỉnh cho mỗi mục menu trên Photoshop. Nó thực sự rất cần cho bất kỳ người sử dụng nào quen dùng phím tắt.

Menu: Cho phép người dùng chỉnh sửa trình đơn hiện tại, ẩn đi tính năng mà họ ghét hoặc không bao giờ sử dụng, và làm nổi bật các tính năng cần thiết.


Preferences:
Chứa nhiều vấn đề khác mà bạn cần chỉnh sửa với Photoshop.

Menu Image: Menu Image cho phép bạn thay đổi về độ sâu của màu, hình ảnh và nhiều tính năng khác. Các tùy chọn hữu ích nhất ở đây là gì?


Mode: Chế độ màu bạn có thể thiết lập cho ảnh như RGB hay CMYK, cũng như các dạng bit màu khác như Lab hoặc Indexed. Bạn không nên sử dụng bất kỳ dạng màu nào ngoài RGB trừ khi bạn quan tâm kỹ hơn tới việc định dạng ảnh và ảnh kỹ thuật số.

Adjustments: Một menu phụ với các thành phần điều chỉnh độ sáng, độ tương phản, Levels, Curves, cũng như Hue/Saturation. Có một loạt các tùy chọn khác, và dưới đây là một số thành phần quan trọng nhất:
 
- Brightness/Contrast: Đây là thành phần cơ bản để điều chỉnh độ tương phản sáng/tối trong các bức ảnh. Là một công cụ hay và dễ sử dụng cho người mới bắt đầu.
- Levels: Một cách tinh chỉnh hơn về phạm vi giá trị tương phản trong các bức ảnh.
- Curves: Một cách điều chỉnh giá trị và chanel phức tạp hơn, nó cho phép người dùng điều chỉnh giá trị, nhắm tới mục tiêu với độ chính xác cao hơn. Tính năng này thường được các chuyên gia sử dụng.
- Exposure: Cũng là một trình đơn khác để điều chỉnh độ tương phản sáng/tối. Tùy chọn này được sử dụng nhiều cho các nhiếp ảnh kỹ thuật số.
- Hue/Saturation: Điều chỉnh màu sắc hình ảnh cũng như độ tươi sáng và sống động của ảnh.
- Invert: Đảo ngược hai màu trắng đen của ảnh. Tất cả các màu sắc khác trên ảnh sẽ hiển thị theo chế độ đối lập màu hiện tại.
- Posterize: Đây là một bộ lọc giảm màu sắc hình ảnh về giới hạn một số màu cơ bản.
- Threshold: Đây cũng là một bộ lọc màu khác để chuyển bức ảnh của bạn về dạng 2 màu cơ bản là trắng và đen, hoàn toàn không có màu xám.

Auto Tone, Auto Contrast, Auto Color: Photoshop sẽ cố gắng cải thiện tự động bức ảnh của bạn bằng việc điều chỉnh Tones, Contrast và Color. Nó được gợi ý từ Photoshop Elements (một trình sửa ảnh tương tự nhưng ở dạng cơ bản), đây là công cụ hay cho người mới sử dụng.

Image Size: Không nên nhầm lẫn thành phần này với Canvas Size, vì với lựa chọn này kích thước của toàn bộ file ảnh sẽ bị thay đổi.


Canvas Size: Tăng kích thước trống xung quanh bức ảnh.



Image Rotation: Quay bức ảnh theo một góc 90° hoặc 180°, ngoài ra cũng có thể tự tùy chỉnh góc độ quay của ảnh bằng cách chọn Arbitrary.

Duplicate: Tạo một file ảnh mới là bản sao của file hiện tại. Tập tin mới sẽ không có thành phần History đã sửa.

Menu Layer

Đây là nơi chứa các thao tác chỉnh sửa và làm việc với lớp đối tượng. Menu Layer có rất nhiều menu phụ và các tùy chọn phức tạp. Bạn có thể xem lại phần 3 của loạt bài hướng dẫn này.


New: Các menu phụ trong menu này cho phép bạn tạo ra các lớp mới cũng như các tùy chọn để chuyển lớp hiện có thành lớp Background (nếu cần). Bạn cũng có thể nhóm các lớp đang chọn thành một nhóm (việc lựa chọn nhiều lớp sử dụng Shift hoặc Ctrl – tương tự như thao tác với các file trong thư mục). Tùy chọn này sẽ tạo ra các “thư mục” lưu trữ những lớp đã được chọn để nhóm.

Duplicate Layer: Cho phép người dùng tạo một bản sao của lớp đang được chọn và lưu trữ nó vào đúng file đang mở hoặc tạo ra một file mới.

New Fill Layer/New Adjustment Layer: Đây là cách tạo ra 2 loại lớp màu mới phủ lên trên lớp ảnh hiện tại. Bạn có thể tùy chỉnh 2 lớp mới tạo này một cách dễ dàng để tạo ra những bức ảnh sống động.

Layer Mask/Vector Mask: Công cụ dùng để lọc hoặc ẩn một phần (hay tất cả) các lớp đang hoạt động. Có sự khác biệt khá cơ bản giữa hai loại Mask này đó là Mask theo vector và theo điểm ảnh.

Clipping Mask: Đây là một tính năng khá khó hiểu, nó dùng để đặt một lớp hoặc nhóm lớp thành Mask để minh bạch cho lớp dưới nó.

Group Layers/Hide Layers: Nhiều lớp có thể được chọn trong panel Layers và được nhóm/ẩn trong menu này.


Align/Distribute: Công cụ này dùng để sắp xếp các lớp trong không gian làm việc/không gian ảnh. Với công cụ này, bạn có thể căn đối tượng vào giữa ảnh hoặc chỉnh khoảng cách đều giữa các đối tượng một cách dễ dàng.

Merge Down: Kết hợp các lớp hiện tại (hoặc nhóm lớp) với các lớp dưới nó.

Merge Visible/Flastten Image: Kết hợp tất cả các lớp trong file của bạn. Merge Visible sẽ bỏ qua tất cả các lớp ẩn trong panel Layers, trong khi Flatten Image sẽ bỏ chúng đi hoàn toàn. Merge Visible sẽ tạo ra các khoảng transparen ngoài những lớp ảnh đã kết hợp, còn Flatten Image sẽ tạo ra một lớp
Background theo màu mà bạn định sẵn ở Background color.

File gốc trong panel Layers, hiển thị các lớp hiện tại
File sau khi đã kết hợp bằng Merge Visible, vẫn giữ lớp transparen
 
File sau khi đã kết hợp bằng Flatten Image, nền background màu trắng đã được thêm vào sau khi kết hợp.

Các Menu quan trọng khác

Phần còn lại của các menu trong Photoshop gần như là khá phức tạp cho người mới sử dụng.

Menu Select: Menu này làm việc với các công cụ Marquee, Lasso và Wand trêm panel Layers. Select All, Deselect và Reselect là các công cụ chọn đối tượng. Khi bạn đang lựa chọn 1 phần đối tượng, Invert sẽ có tính năng đảo ngược phần lựa chọn của bạn, nghĩa là phần ảnh được chọn ban đầu sẽ thành không chọn, và phần ảnh không được chọn ban đầu sẽ thành được chọn. Bạn cũng thể chọn tất cả các lớp trong panel Layers từ công cụ trên menu này, ngoài ra còn có thể điều chỉnh các lựa chọn từ menu phụ Modify. Tùy chọn chế độ Quick Mask cũng được điều chỉnh tại menu Select này.

Menu Filter:  Đây là một thư viện template sẵn có cho người sử dụng Photoshop. Filter cho phép bạn lựa chọn các loại biến dạng khá thú vị cho bức ảnh. Có cái thực sự hữu ích, có cái không, tùy thuộc vào mục đích của người sử dụng. Filter là một thành phần khá lớn trong PS và cần phải có một bài viết riêng để khai thác các thư viện trong menu này.
Menu View: là một menu chứa rất nhiều các thành phần ít dùng của Photoshop như việc thay đổi kích thước và hình dạng của điểm ảnh, ngoài ra còn chứa các thao tác cơ bản như Zoom in, Zoom out. Với menu Print Size, bạn có thể xem trước kích thước in hoặc nhanh chóng zoom 100% với Actual Pixels. Trong menu này, bạn cũng có thể tắt những điều gây phiền nhiễu như Snap, Rulers cũng như xóa Guides hay Slices.

Menu Windows: Đây là menu quản lý việc hiển thị/không hiển thị của các panel, Options, Toolbox... trên màn hình.

Menu Help: là menu cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng, nó chứa mọi thông tin cơ bản của một ứng dụng. Thông qua nó bạn có thể kiếm tra, tìm kiểu về các công cụ mà mình chưa nắm rõ hoặc thông số cụ thể về phiên bản của phần mềm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét